“Mùa hè chiều thẳng đứng” là phim đầu tiên của Trần Anh Hùng mà tôi xem. Đó là một bộ phim đẹp- thậm chí khi ấy, tôi còn nghĩ rằng gã đạo diễn này có lẽ là một kẻ theo đuổi chủ nghĩa duy mĩ. Một đạo điễn nổi tiếng đã nói về việc xử lý ánh sáng như này: Trong ánh sáng, những khuôn mặt xấu xí có thể trở nên đẹp đẽ và sự ngốc nghếch cũng xuất hiện một vẻ thông minh.
Những cảnh quay đẹp và thơ của Mùa hè thẳng đứng đã biến cuộc sống thường nhật của một gia đình trung lưu Hà Nội vốn dĩ rất bình thường trở nên quyến rũ như một dải lụa mềm- nếu bạn từng nhìn thấy một dải lụa mỏng tang, trong suốt và mềm mại lướt qua những ngón tay và bay bay trong gió.
Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng tái hiện lại cuộc sống có vẻ nhẹ nhàng và thảnh thơi của những năm 2000. Những khung cảnh đẹp như tranh hiện lên qua ống kính ấy thực sự là những gì tôi đã mong muốn trong một cuộc đời thật, ngay cả khi nó chỉ là một cái vỏ bọc ngoài. Ở cuộc sống ấy, những con người nói chuyện với nhau bằng một giọng êm ái và chậm rãi, dịu dàng, những ngồi nhà có mái hiên mưa rơi long tong- khung cửa sổ đầy nắng có những hàng cây xanh, có rèm cửa buông rủ trong căn gác tầng hai của một căn nhà Thủ Đô kiểu cũ, trong nhà lúc nào cũng có ấm trà và bình hoa tươi,… Ánh sáng hắt lên khuôn mặt của từng nhân vật, khói thuốc vào buổi sáng bay lên từ bàn tay của một người con trai trẻ im lặng trong nền nhạc của The Velvet Underground và nắng, mưa trong từng cảnh phim đẹp đến nao lòng. Nó gợi cho tôi nhớ đến “In the mood for love” của Vương Gia Vệ. Sự tinh tế đến từng chi tiết khiến cho tôi hiểu rằng mình thấy dễ chịu không phải vì xem một bộ phim với cốt truyện của nó, mà có lẽ chỉ đơn thuần là ngắm một tác phẩm nghệ thuật đẹp với một sự ngưỡng mộ- điều ấy dịu dàng như một buổi chiều ngồi uống trà giữa những giàn cây leo xanh mướt bên hiên nhà mình.
Quay lại những năm 2000 trong Mùa hè chiều thẳng đứng, kiến trúc của những ngôi nhà cũ là khu công trình phụ không khép kín- tôi bật khóc khi xem những cảnh diễn viên Lê Khanh vừa hát Nắng thủy tinh trong lúc giặt quần áo ngoài sân, hay mặc áo mưa bốc nồi khoai luộc từ trên bếp: Nó là khung cảnh của một căn nhà tuổi thơ: vào những ngày mưa, mấy chị em tôi cũng mặc áo mưa đứng nấu cơm- đi từ nhà xuống bếp phải băng qua mấy khoảng sân; vòi nước bằng nhựa cao ngang đầu gối, cái gáo nhựa giắt ở chạc ba của một máng xối nước… Và trong sân nhà, lúc nào cũng có rất nhiều cây.
Tôi hiểu rằng, kí ức có một sự ấm áp kì lạ khi người ta đã đi qua nó lâu, rất lâu- đến nỗi mà kỉ niệm luôn đẹp, cho dù buồn hay vui. Một phần vì nó không bao giờ trở lại.