Malena (tựa tiếng Việt: Mối tình đầu của tôi) là lời thuật lại của một cậu bé 14 tuổi, dưới cái nhìn của mình, cậu kể về nỗi cô đơn của một người phụ nữ đẹp – Malena trong bối cảnh nước Ý vào khoảng thời gian xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đạo diễn Giusepp Tornatore đã lồng vào trong từng phân cảnh và diễn biến cảu câu chuyện những hình ảnh về nước Ý thời chiến tranh, đẹp nhưng lại mang cái màu xám u quạnh và lạnh lẽo.
Malena là một phụ nữ đẹp. Ngay khi kết hôn, chồng cô đã phải đi lính, để lại cô một mình dưới con mắt soi mói của những người phụ nữ khác, dưới cái nhìn dâm đãng và thèm khát của tất cả đàn ông trong thị trấn. Cái kết của bộ phim là khi chồng cô trở về, nhờ vào bức thư tay nặc danh, đã cố gắng tìm cô và để cô tiếp tục nương nhờ. Đó có lẽ là món quà nhân đạo nhất mà kịch bản phim đã không ác độc cướp mất từ cô.
Trang phục của Malena mặc trong suốt bộ phim có lẽ cũng là một thứ ngôn ngữ không lời về diễn biến của cuộc đời mình. Xuất hiện lần đầu trên bờ biển nước Ý xinh đẹp, Malena mặc một chiếc váy liền màu trắng, đôi giày cao với bước đi uyển chuyển, cuốn hút từng cái nhìn của đàn ông, không trừ một ai. Từ đấy, ta luôn thấy cô xuất hiện trong những chiếc váy màu trắng đen, thỉnh thoảng có những họa tiết hoa nhẹ nhàng để tăng sự quý phái, lịch thiệp của một người phụ nữ đẹp. Monica Bellucci đã rất khéo diễn tả từng bước đi của Malena trong mỗi bô cánh đơn giản, không cầu kì. Cái nhìn hơi nghiêng nhưng đầy kiêu sa và hiểu rõ về sắc đẹp của mình nhưng nét mắt lại không cười, ẩn chứa sự cô đơn đến tột cùng trong một người đàn bà đẹp. Sau khi nghe tin chồng mất, Malena phải tự bươn chải cho cái ăn, cái mặc của mình bằng cách cặp kè với các sĩ quan người Đức. Cô chọn cho mình những chiếc váy đen, đôi môi đỏ chót lúc nào cũng mời góc, tóc uốn xoăn lọn to thời thượng. Trang phục màu đen lúc này càng làm tăng lên sự khó khăn, khổ đau của một người phụ nữ tươi trẻ, quyến rũ, bất đắc dĩ mới phải cặp kè với kẻ thù đất nước mình.
Hình ảnh Malena giấm giúi ăn miếng bánh mì khô đã bóc trần cái sự thực khốc liệt của chiến tranh. Cái đói khổ của chiến tranh không tha cho bất kì ai cả. Hình ảnh ấy đối nghịch hoàn toàn với dáng vẻ của Malena trước đại lộ: khi cô vừa ngồi xuống, hàng tá đàn ông quỳ xuống dâng thuốc cho cô hút. Tưởng như, ngay lúc ấy, với sắc đẹp và niềm kiêu hãnh của mình, mỗi người phụ nữ đều có thể dẫm nát thế giới trên đôi giày cao gót và đôi môi đỏ thắm.
Một nhân vật cũng đóng vai trò rất quan trong cho những bi kịch của Malena đó là Renato – nhân vật xưng tôi của câu chuyện. Cậu đã dành cho Malena một thứ tình cảm như dành cho một nữ thần. Câu tôn sùng nét đẹp của nữ thần và khao khát được bảo vệ cô ấy. Cậu giận dữ khi thấy nữ thần của mình bị chà đạp. “Tôi đạp nhanh, thật nhanh như thể tôi đang trốn khỏi sự mong mỏi, sự thơ ngây, khỏi cô ấy…Thời gian trôi qua và tôi đã từng yêu biết bao cô gái. Khi họ siết chặt tôi vào lòng và hỏi tôi có nhớ họ không ?! Tôi nói: “Có chứ, anh sẽ rất nhớ em”. Nhưng người phụ nữ duy nhất tôi chẳng bao giờ quên là người chưa bao giờ hỏi tôi. Đó là Malena”.
Malena, đáng thương hay đáng trách, mỗi người sẽ có những hệ quy chiếu riếng để nói về người ấy. Tôi cũng không bàn về chuyện ai có đủ thẩm quyền và tư cách để phán xét một người phụ nữ như Malena. Nhưng trên tất cả, Malena chỉ là một bộ phim, một bộ phim mượn hình ảnh của người phụ nữ – một phụ nữ đẹp để bóc trần những bị kịch và thống khổ của chiến tranh bằng cách này, hay cách khác đã gây lên cho mỗi mảnh đời, không trừ một ai.