Tôi xem Hành trình 100 bước chân – The Hundred foot Journey của đạo diễn Lasse Hallstrom trong một tối thứ 6 trốn việc. Chỉ vì trời Sài Gòn mấy hôm ấy lại hay gió. Phim có sự tham gia của diễn viên nổi tiếng Helen Mirren trong vai quý bà sang chảnh người Pháp và hai nam nữ diễn viên chính Charlotte Le Bon trong vai Marguerite và Manish Dayal vai Hassan.
Bộ phim kéo dài hơn 2 tiếng, dẫn người xem tới những triết lí cuộc sống về món ăn, tình yêu, hôn nhân, gia đình theo từng độ tuổi. Nhưng hơn cả, bộ phim nói tới sự va chạm mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa khác biệt: một bên là người Pháp kiêu kì, kiểu cách; một bên là Ấn Độ lòe loẹt, phô trương; một ẩm thực coi trọng sự tinh tế và những khám phá xuất phát từ điều nhỏ nhất, một nơi lại gây ấn tượng bởi những gia vị mạnh và cách ăn uống tự nhiên, không chút cầu kì, câu nệ.
Câu chuyện dẫn đến một thời gian mà khi sự phát triển toàn cầu diễn ra khắp nơi trên thế giới, những con người di cư từ đất nước này tới đất nước khác để làm ăn, sinh sống và thực hiện ước mơ. Họ gặp những bất đồng, những cú sốc văn hóa, nhưng cuộc cạnh tranh không công bằng. Bằng trái tim, và cả sự thông minh của mình, mỗi người đều cố gắng mang tới những rung động dù nhỏ nhất của chính mình cho mỗi vùng miền, con người xung quanh nơi họ sống.
Bộ phim cho ta thấy căn bệnh cố hữu của những người Châu Á, họ luôn muốn giữ những bí quyết thuộc về gia đình, những bí mật mang tính cá nhân. Họ bảo thủ, lạc hậu, không chịu học những cái hay ho và có ích từ nền văn hóa khác. Như ông bố của Hassan, bất chấp tất cả để mở cửa hàng mà không chịu nghiên cứu thị trường trước, ông tin rằng với cái tài của Hassan thì ở bất kì đâu, nhà hàng món Ấn cũng có thể thành công. Căn bệnh “con hát mẹ khen hay” thể hiện rõ nhất trong từng chi tiết bộ phim.
Những vấp váp về văn hóa ấy dần được sửa chữa khi Hassan và Marguerite có cảm tình với nhau. Giống như câu chuyện về hai đứa con của hai gia tộc căm thù nhau muôn kiếp được hóa giải bởi tình yêu. Họ đến với nhau bằng niềm tin, bằng sự tinh tế cảm nhận về ẩm thực, về gia vị, tôn trọng học hỏi lẫn nhau. Hành trình 100 bước chân không thiếu những chi tiết sến sẩm của một cốt truyện tình cảm, tình yêu, như cách Hassan quyết định về nhà hàng của bà Mallory làm để chứng minh cho Marguerite thấy “chúng ta có thể cùng nhau thành công ở cùng một sân khấu”.
Hành trình 100 bước chân – The Hundred – foot Journey khiến tôi nhớ tới bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ: “1) Bất cứ người nào ta gặp cũng đúng là người ta cần gặp. 2) Điều đã xảy ra là điều duy nhất có thể xảy ra. 3) Sự gì cũng bắt đầu đúng lúc. 4) Cái gì đã xong, là xong”. Nhà của Hassan bị cháy, chuyến xe của họ vô tình bị hỏng, Marguerite vô ý đi qua, bố Hassan mua căn nhà hoang tàn, cách nhà hàng của Malory 30m (chừng 100 bước chân),… Hassan và Marguerite hái được nấm ngon trong rừng,… Mọi thứ như được định sẵn, giống như nếu sai một chuyện trong đấy thôi thì Malory sẽ không được 1 ngôi sao Michellin nữa, Marguerite rồi sẽ yêu một anh chàng nào đó trong thị trấn, nhưng nhất định không phải là Hassan.
Tôi lại muốn nói về tình yêu, nói về cách mà hàng ngàn khán giả xem phim, muốn nhắc lại “Cuisine is not an old, tired marriage. It is a passionate affair”, tạm dịch “Nấu ăn không phải là một cuộc hôn nhân già cỗi, mệt mỏi. Đó là cuộc tình nồng cháy muôn thuở của con tim”. Không phải là chuyện chúng ta ăn gì mà là ăn với ai và ở đâu. Cũng như tôi từng trả lời trước câu hỏi : “Em sẽ ở thành phố nào nếu được chọn?” “- Điều quan trọng nhất chính là người đồng hành. Thực ra có anh, em đi đâu cũng được, mà không đi đâu cũng được”.